Mặc dù các cơ quan, ban ngành địa phương đã có nhiều văn bản, cùng các biện pháp phòng tránh đuối nước như tuyên truyền, gắn biển cảnh báo, tổ chức mở lớp dạy bơi... cho trẻ em nhưng tình trạng đuối nước vẫn xảy ra và những con số đáng để chúng ta nhìn nhận trước thực trạng đuối nước hiện nay.
Nguồn ảnh: Internet
Theo số liệu thống kê của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc, số trẻ tử vong do đuối nước luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số trẻ gặp tai nạn rủi ro. Cụ thể năm 2016, tổng số 49 trẻ: có tới 33 trẻ đuối nước chiếm 67%; năm 2017, tổng số 67 trẻ: có tới 35 trẻ đuối nước chiếm 52% và trong 6 tháng đầu năm 2018 xảy ra 7 trường hợp tử vong do đuối nước.
Có những sự việc đau lòng đã xảy ra: Đó là trường hợp gia đình anh Hùng tại thôn Xuân Lan, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, anh chị sinh được 3 người con, hàng ngày anh chị đi làm, các con ở nhà với ông bà nội đã già yếu nhưng do sơ xẩy, ngày 6/5/2017 hai cháu Nguyễn Thu Nga sinh năm 2012 và Nguyễn Anh Đức sinh năm 2014 bị ngã xuống ao. Sau một tiếng đồng hồ đi tìm, đến 17h cùng ngày gia đình tìm thấy thi thể hai cháu chìm ở dưới ao.
Ngày 01/7/2017 tại thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc xảy ra vụ đuối nước rất thương tâm khiến 3 trẻ em tử vong cùng một lúc. Ba anh em: Lê Minh Công sinh năm 2003 và Lê Minh Đức sinh năm 2006, cùng với con trai nhà bác ruột là Lê Tiến Mạnh sinh năm 2007 rủ nhau đi chơi tại khu vực đầm mới đào gần chùa Đông Mẫu, chẳng may hai em Công và Đức trượt chân bị ngã xuống nước, thấy vậy cháu Mạnh lao xuống cứu nhưng do cả 3 anh em đều không biết bơi nên đã bị đuối nước. Đến 17h cùng ngày gia đình không thấy các cháu về nên đã đi tìm, khi ra đến khu vực đầm gần Chùa thì phát hiện xe của các cháu đang để trên bờ. Cả nhà huy động người xuống tìm kiếm, khoảng 30 phút sau đã tìm thấy thi thể 3 cháu cùng một chỗ.
Gần đây nhất, ngày 14/5/2018, 2 em Nguyễn Thị Tú Quyên và Đỗ Phương Linh sinh năm 2004 học lớp 8 trường THCS Đồng Tĩnh, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương đi học về có rủ nhau đi tắm và chụp ảnh tại kênh đào cống 5 cửa cầu cũ Liễn Sơn, thật không may 2 em cùng tử vong do đuối nước.
Chúng ta nhận thấy, trẻ em vị thành niên là đối tượng chính trong các vụ đuối nước và thời gian cao điểm xảy ra tập trung vào những tháng hè. Nguyên nhân của thực trạng trên do việc giám sát, quản lý trẻ em trong kỳ nghỉ hè chưa chặt chẽ, nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Đặc biệt là vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm. Ở các cơ sở giáo dục hay các địa phương thiếu hướng dẫn viên và giáoviên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Kỹ năng của các em trong phòng ngừa, bảo vệ mình trước tai nạn đuối nước chưa có, trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Vì thế để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và phải coi đây là trách nhiệm không phải của riêng cá nhân gia đình có trẻ em, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày 05/02/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về “Chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020”; ngày 8/5/2018 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 3159/UBND-VX1 về việc “Tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em”, ngoài ra hàng năm Sở Lao động TB&XH đều ban hành các kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước và tổ chức các lớp truyền thông cho học sinh tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện mở lớp dạy bơi miễn phí. Đây là sự chỉ đạo đang tạo ra rất nhiều thuận lợi cho mỗi địa phương, trong tổ chức triển khai thực hiện để nâng cao ý thức của mỗi gia đình, người dân trong bảo vệ con, em mình trước những nguy cơ tai nạn đuối nước.
Với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, đến nay tình hình đuối nước và tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm nhưng còn chậm. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chỉ có như vậy mới vơi đi bớt nỗi lo tai nạn đuối nước và các em mới được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền sống còn của trẻ em.
Trần Mai